Liên kết web
Công báo Bạc Liêu
Người dân hỏi CQ Chức năng trả lời
Hướng dẫn thủ tục hành chính
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập
Tác giả - Tác phẩm
Tác giả - Tác phẩm
Màu chữ Cỡ chữ
“Cái tâm trong sáng” của một nhạc sĩ

Khi tra cứu tư liệu về nhạc sĩ Thanh Tâm, tôi phát hiện tư liệu đăng trên website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (hoinhacsi.org) về nhạc sĩ đã bị nhầm lẫn vì ghép tiểu sử của anh với một nhạc sĩ khác cùng tên và có lẽ là người ở tỉnh Hòa Bình khi nêu: “học Trường Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc - 1980; phóng viên văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hòa Bình...”. Trong khi đó, nhạc sĩ Thanh Tâm (Nguyễn Thanh Tâm) ở Bạc Liêu năm nay đã 72 tuổi, chủ yếu sinh sống và làm việc ở Bạc Liêu, Cà Mau, không học và chưa từng công tác ở trường và đơn vị nêu trên.

Nghệ sĩ Trọng Nguyễn khi nói đến giới văn nghệ sĩ Bạc Liêu hay nhắc đến nhạc sĩ Thanh Tâm. Khi làm Chủ tịch hội, mỗi lần đi thực tế ở các tỉnh bạn, nghệ sĩ Trọng Nguyễn hay rủ anh Thanh Tâm theo. Lý do là nhạc sĩ Thanh Tâm thuộc tuýp văn nghệ sĩ đa năng. Giao lưu với văn nghệ sĩ ở địa phương bạn, muốn nhạc có nhạc, muốn ca cổ có ca cổ, muốn thơ có thơ... và đều là sáng tác mới chớ không phải chuẩn bị sẵn mang theo! Bên chén rượu, chén trà, chán chuyện hát hò thì nói chuyện đông tây kim cổ, chuyện nào anh cũng tham gia được, thậm chí anh là đầu trò, làm người kể chuyện. Theo tôi, đây cũng là một kinh nghiệm cho người quản lý hội khi tổ chức đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác, dự trại sáng tác, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các hội bạn. Khi rảnh rỗi, không ở phòng làm việc thì ở quán cà phê, tôi có thể ngồi nói chuyện với anh suốt cả buổi mà không chán, vì có thể nói với anh về nhiều đề tài khác nhau. Một số người sẽ hỏi tôi làm việc nhà nước sao có thời giờ mà... “tám” như thế? Thật ra nhiều lúc tôi rất bận. Nhưng nếu ngày nào tôi cũng ngồi trong phòng làm việc, ngồi gõ bàn phím miết dù chuyện chung, chuyện riêng thì tôi làm... Chủ tịch hội chi nữa? Bởi việc tiếp hội viên cũng là một phần việc của lãnh đạo hội, cho dù gặp nhau chỉ để nói chuyện “trên trời dưới đất”!

Có lần tôi cùng anh Thanh Tâm dự một trại sáng tác tổ chức tại Nhà Sáng tác Đà Lạt. Hôm tổng kết, anh vừa đàn vừa hát một ca khúc mới viết về Đà Lạt. “Xoay tua” chưa hết vòng giới thiệu tác phẩm, anh lại xin đọc một bài thơ mới sáng tác. Trên đường về, đoàn ghé thăm thác Đambri. Trước vẻ đẹp hùng vỹ của thiên nhiên, nhiều người trong đoàn đều có ngẫu hứng làm thơ. Họa sĩ Trần Hoàng Thanh cũng sáng tác được đôi câu. Dĩ nhiên, nhạc sĩ Thanh Tâm cũng ứng khẩu ngay một bài thơ mới 3 khổ 12 câu. Anh nói chính vì nhờ anh biết làm thơ chút ít nên khi sáng tác ca khúc, anh không “bí” lời, ca từ có vần có điệu, dễ nhớ. 

Tôi giống nhạc sĩ Thanh Tâm ở chỗ khi còn nhỏ đi học ở chợ. Anh Thanh Tâm ra chợ Cà Mau “ngồi” lại lớp 3 dù ở trường làng đã học xong lớp Nhất. Xong tiểu học, anh học trung học đệ Nhất cấp từ lớp đệ Thất đến đệ Tứ, Trường Nguyễn Hiền Năng. Thi đậu Trung học đệ nhất cấp, anh vào học lớp đệ Tam Trường Công lập. Đến năm 1964, anh thi đậu Tú tài I (sau khi học xong lớp đệ Nhị - lớp 11 hiện nay). Khi ấy, tôi mới học lớp 3! Thi xong, anh không học tiếp lớp đệ Nhất (lớp 12 hiện nay) mà về quê tham gia kháng chiến. Do được học hành như thế nên kiến thức anh khá vững. Nói chuyện với anh, tôi có thể bàn sâu về ngôn ngữ, về chữ Hán; cả toán học cũng được, nhất là khi nhắc đến những câu đố dân gian. Lúc ấy, học sinh từ lớp đệ Tứ (lớp 9 ngày nay) khi học môn Việt Văn, có học chữ Hán; một số trường còn dạy vẽ, nhạc...

Với “bề dày” là bằng Tú tài I, khi tham gia kháng chiến, nhiều người nghĩ anh nếu không tham gia trực tiếp chiến đấu (đi bộ đội) sẽ làm thầy giáo dạy học. Nhưng ít ai ngờ là anh tham gia đoàn văn công xã (xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi). Thì ra ngay trước khi ra chợ Cà Mau học, anh đã được dạy đờn vọng cổ. Khi ra chợ, anh lại học đàn guitar. Vì thế, cái nghề đàn hát của anh còn trội hơn chuyện chữ nghĩa. Không lâu sau khi công tác ở xã một thời gian ngắn, anh được điều lên làm Trưởng Đoàn Văn công huyện Ngọc Hiển. Ở huyện một thời gian, anh lại lên tỉnh (Đoàn Văn công tỉnh Cà Mau) rồi lên Khu (Đoàn Ca múa Quân khu 9) cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Sau 30/4/1975, anh được đưa đi học cao đẳng tại Trường Quốc gia Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh rồi học Đại học Văn hóa ở Hà Nội. Trước khi về hưu, anh là Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Minh Hải.

Một thời gian dài làm nhạc công, cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, từng làm thơ, viết vọng cổ, viết báo nhưng cho đến nay, tên thật và cũng là bút danh của anh lại gắn với sự nghiệp sáng tác ca khúc.

Sự nghiệp sáng tác của anh có một số điểm đáng chú ý. Trước hết, anh từng có nhiều ca khúc được giới thiệu trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam ngay từ những năm 80 thế kỷ trước. Anh là nhạc sĩ ở Bạc Liêu, từng sớm hợp đồng với trung tâm tác quyền âm nhạc ở TP. Hồ Chí Minh để trung tâm này bảo vệ tác quyền cho anh - điều mà ít nhạc sĩ ở địa phương khác đã làm. Thi thoảng, anh nhận được nhuận bút của 2 đơn vị này, mà chính anh trước đó cũng không rõ ca khúc của anh đã phát sóng hồi nào hoặc đơn vị nào đã biểu diễn (chỉ sau khi xem biên nhận lãnh tiền mới rõ).

Anh từng được giải này, giải nọ nhưng điều ít ai biết là một số ca khúc của anh đã có mặt trong một số phim tài liệu của một số địa phương trong và ngoài tỉnh. Ví dụ như: ca khúc Dòng thơ gởi mẹ và Nhịp cầu quê hương trong phim tài liệu Biển bạc đồng vàng (huyện Giá Rai - 1982); ca khúc Thị trấn cuối dòng sông trong phim Sông Đốc bây giờ - 1982; ca khúc Nhớ mùa cam ngọt quê hương trong phim Cửu Long miền đất phù sa (Cần Thơ thực hiện); ca khúc Tôi về quê mẹ Vĩnh Long và Về vùng quê nhãn trong phim Phấn trắng - 1995 (Vĩnh Long thực hiện)...

Một ca khúc quen thuộc được nhiều người biết đến vì từng được Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu dùng làm nhạc hiệu. Đó là ca khúc Bạc Liêu ơi (giải Ba ĐBSCL).

Nhạc sĩ Thanh Tâm đã được Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ đầu tư in một tuyển tập ca khúc Hát về đất biển quê ta (tựa một ca khúc trong tuyển tập này). 

Anh cho biết đã sáng tác gần 300 ca khúc. Ngoài tuyển tập trên, anh vẫn có thể chọn in... vài tập nữa bởi anh không chỉ sáng tác về quê hương Cà Mau và Bạc Liêu mà còn viết về nhiều địa phương khác trong cả nước. Thông qua các địa danh trong ca khúc, anh đã giới thiệu khá đậm nét về nơi anh đã từng đến, chứng tỏ trái tim của anh luôn rung động theo từng bước chân của anh. Đối tượng sáng tác của anh là về đất nước - con người Việt Nam ở nhiều vùng miền khác nhau. Đây chính là một đặc điểm nổi bật ở các ca khúc của anh.

Nhạc sĩ Thanh Tâm (người thứ ba từ phải sang) nhận giải thưởng VHNT Cao Văn Lầu năm 2011        Ảnh: Mẫn Nghi

Nói về nghề, nhạc sĩ Thanh Tâm nói rằng người sáng tác ngoài việc cần phải có đam mê, năng khiếu... thì cũng cần phải có kiến thức nền. Kiến thức nền ở đây bao gồm kiến thức về kỹ thuật sáng tác và cả về kiến thức về quê hương, đất nước - con người. Nhạc sĩ phải đi đây, đi đó nhiều nơi để có cảm xúc. Đã là nhạc sĩ thì phải “sạch nước cản”, tuy chưa biết ký âm bằng “encor” trên máy tính nhưng cũng phải biết ký âm trên giấy, thậm chí còn phải ký âm ngay từ trong đầu trước khi ghi ra. Theo thói quen đã có từ thời kháng chiến, lúc nào bên anh cũng có chiếc radio nhỏ, lúc anh nghe thời sự, lúc nghe nhạc, Tây - ta có đủ. Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật phi biên giới, không như văn học còn bị rào cản ngôn ngữ. Gần đây, có hiện tượng “đạo nhạc” nước ngoài, phải chăng người “sáng tác” cho rằng do nhạc ấy xuất xứ từ bên Tây, bên Tàu xa xôi chắc ít người nghe!? Nhạc sĩ Thanh Tâm nói anh chỉ cần nghe radio còn biết huống là những người thích nghe nhạc qua mạng... Là nhạc sĩ, phải có tâm trong sạch, đừng nhập nhằng giữa trắng và đen! Thật thú vị sao, đó cũng là nghệ danh của anh: Thanh Tâm!

Nhạc sĩ Thanh Tâm đã được UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu vào năm 2011.

Trần Chí Thành

Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh
 
CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Ban Biên tập cổng thông tin điện tử Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu
Địa chỉ: Đường 30/4, Phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913. 824570. Fax: 02913.824569