Liên kết web
Công báo Bạc Liêu
Người dân hỏi CQ Chức năng trả lời
Hướng dẫn thủ tục hành chính
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập
Hoạt động
Hoạt động
Màu chữ Cỡ chữ
Nhạc Khị: Hậu Tổ cổ nhạc Bạc Liêu

Đó là một con người đã được sinh ra cách đây hơn thế kỷ tại một vùng đất nghèo nàn có nhiều láng, nhiều lung ở gần cuối miền đất nước. Từ lúc mới sinh ra, người này đã mang dị tật - hai mắt bị mù, hai tay bị teo nhỏ và cong như cán vá; trong những năm bé thơ đã bị bệnh triền miên, lúc hơn mười tuổi bị trúng phong phải nằm liệt giường đến ba năm mới hết; sau khi khỏi bệnh, một bên chân bị liệt, chân còn lại cũng cử động khó khăn, hai tay vốn bị tật bẩm sinh gặp thêm bệnh nặng nên càng yếu ớt. Một con người với thân thể như thế tưởng chừng một phế nhân, nhưng không - con người này đã vượt qua tất cả những trở ngại của cuộc sống và cố vươn lên để trở thành một người hữu dụng. Chính người này đã khai sinh ra trường phái cổ nhạc Bạc Liêu, người ta thường gọi ông là Nhạc Khị(1), từ lâu đã được giới nghệ sĩ cổ nhạc tôn xưng là Hậu Tổ. Tư tưởng và sáng tác của ông không những đã làm kim chỉ nam cho các hoạt động cổ nhạc ở Bạc Liêu, mà còn có sức ảnh hưởng sâu rộng đến các phong trào ca nhạc cổ ở nhiều nơi, nhiều tỉnh trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Có thể nói Nhạc Khị là đòn bẩy cứng cáp đã tạo được sức bật ban đầu trong quá trình phát triển cổ nhạc Nam Bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng.

Nhưng đến nay, tài liệu viết về Nhạc Khị còn quá ít, cuộc đời và sự nghiệp của ông không được ghi chép rõ ràng. Mọi người đối với ông đều thực lòng tôn kính, ai cũng biết ông đối với sự nghiệp cầm ca có công rất lớn và thành quả của ông trên phương diện này mọi người đang thừa hưởng; đối với công lao của ông thì đa số anh em nghệ sĩ đều nhận biết, nhưng cụ thể như thế nào thì ít ai nắm bắt được. Khi bàn về đàn ca tài tử hay quá trình phát triển cổ nhạc, người ta thường đề cập tới Nhạc Khị, nhưng đa số chỉ nói về tài nghệ hoặc vị trí của ông trong cổ nhạc chẳng khác một nhân vật huyền thoại, như trong Hồi ký 50 năm mê hát của Vương Hồng Sển có đoạn ghi: “Nếu phải kể công đầu đáng làm Hậu Tổ cải lương thì sao lại không kể ông Hai Khị ở Bạc Liêu. Ông Hai Khị đau cổ xạ, ngón tay co rút và ngo ngoe rất khó, thế mà ông có tài riêng không ai bắt chước được. Ai muốn thử tài cứ đến nhà, ban đầu ông dở mùng cho xem, chỉ thấy trống kèn, chụp chỏa trơ trơ ở trong ấy, thế rồi khách ra ngồi salon, ông Khị chun vô mùng một mình rồi bỗng nghe trọn bộ cổ nhạc khua động có tiết tấu nhịp nhàng y như có cả bốn năm người hòa tấu: trống xổ, kèn thổi, đờn kéo ò e, chụp chỏa lùng tùng xòa, các việc đều do Nhạc Khị một mình điều khiển. Không ai biết ông làm cách nào mà được như vậy… Quả là diệu thuật"(2). Và Huỳnh Minh trong tác phẩm Bạc Liêu xưa và nay cũng nói tương tự: "Nhạc sư Hai Khị, tục gọi Nhạc Khị, rất mực tài hoa, một mình Nhạc Khị sử dụng bốn món nhạc khí: Đẩu, bạt, kèn, phách tấu lên cùng một lúc, rất mực điêu luyện, ai cũng khen phục"(3). Ngoài ra không thấy có tài liệu nào khác nói về cuộc đời và sự nghiệp của Nhạc Khị, kể cả tên họ thật của ông là gì cũng ít người biết đến.

Thực ra Nhạc Khị tên thật là Lê Tài Khí người trong xóm thường gọi Hai Khị, ông sinh vào khoảng tháng 3 năm Canh Ngọ (1870) tại thôn Láng Giài thuộc tổng Thạnh Hòa (lúc đó thuộc phủ Ba Xuyên, nay là ấp Láng Giài thuộc huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) và sống trọn đời ở đây cho đến khi mãn phần vào cuối năm Mậu Tý (1948), có vợ là bà Lê Thị Hai cũng là người cùng xóm, hai vợ chồng ông chỉ có hai con gồm một gái một trai tên Lê Thị Sang và Lê Văn Túc (Ba Chột - nhạc sĩ nổi tiếng cùng thời với Cao Văn Lầu).

Nhạc Khị là người Bạc Liêu đầu tiên có công trong việc canh tân, hiệu đính và hệ thống hóa hai mươi bản Tổ(5) để làm cơ sở cho cổ nhạc và cải lương Nam Bộ. Ông lại có công đào tạo được nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như: Sáu Lầu, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Mộc Thái, Năm Nhu, Năm Nhỏ, Lý Khi... tạo được một lực lượng nhạc sĩ hùng hậu cho các ban nhạc cổ truyền, các phong trào đàn ca tài tử, ca ra bộ và cho sân khấu cải lương Nam Bộ trong buổi đầu.

Ông được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ tối đen của đất nước, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta đặt ách thống trị trên toàn lãnh thổ, nhân dân ta phải sống trong cảnh cơ cực, lầm than. Các phong trào yêu nước liên tiếp nổi lên chống Pháp, những sĩ phu có tài thao lược thì lãnh đạo nhân dân vũ trang đánh giặc, những văn nhân thi sĩ thì sử dụng ngòi bút của mình để làm lợi khí công kích kẻ thù, trong giới cầm ca cũng có người dùng lời ca tiếng nhạc để cổ vũ tinh thần yêu nước - Lê Tài Khí là người đã từng tham gia vào việc làm tốt đẹp này.

Để cụ thể hóa việc làm này, ông đã cải biên bài Nam ai cổ mang tên Tô Huệ chức cẩm hồi văn và từ đó rút ra chủ đề Chinh phụ vọng chinh phu để hướng dẫn học trò và các thành viên của ban nhạc sáng tác, chủ đề này mang tính bi kịch cao, dễ làm xúc động lòng người, dễ nắn nót thành lời ca tiếng nhạc và chủ đề tuy mượn tích xưa nhưng đã phản ánh rõ những gì trong hiện tại - đã chỉ ra nỗi khổ sầu, cảnh ly tan đau đớn có thật - cảnh mà người dân đang nặng mang. Ông muốn mượn câu ca tiếng đàn để gợi lại cảnh con xa cha, chồng xa vợ, gia đình ly tán - cảnh đoạn trường do giặc Pháp đã gây ra.

Một số người nói rằng ông Cao Văn Lầu sáng tác bản Dạ cổ hoài lang xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, từ sự chia tay của hai vợ chồng ông, nhưng nếu ta so sánh bản Dạ cổ hoài lang và bản Liêu giang của ông Ba Chột thì sẽ thấy nội dung của hai bản này rất giống nhau, cũng đều là nỗi đau đớn tái tê của thiếu phụ đang mỏi mắt trông chồng ngoài biên ải, cũng là hình ảnh Chinh phụ vọng chinh phu rất đau lòng đã được khắc họa thật sinh động trong tác phẩm Tô Huệ chức cẩm hồi văn. Rõ ràng các bản này đã được sáng tác cùng chung một chủ đề, dĩ nhiên nội dung của mỗi bản đều có đặc điểm riêng do hoàn cảnh chi phối.

Chùa Vĩnh Phước An - nơi Nhạc Khị dạy đàn cho nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Ngoài chủ đề này, Nhạc Khị còn sáng tác nhiều nhạc phẩm được lưu hành rộng rãi ở Nam Bộ từ đầu thế kỷ, tiêu biểu nhất là bốn bản: Ngự giá đăng lâu (14 câu nhịp 4), Ái tử kê (12 câu nhịp 4), Minh Hoàng thưởng nguyệt (18 câu nhịp 4) và Phò mã giao duyên (12 câu nhịp 4), đã được nghệ sĩ các nơi gọi là Tứ Bửu; điệu nhạc của các bản này vô cùng thống thiết, đã diễn tả được nỗi thương tâm tột cùng của con người sống trong cảnh nước mất nhà tan. Riêng bản Ái tử kê, khi sáng tác ông đã liên tưởng cảnh "chít chiu" của bầy gà con mất mẹ với cảnh thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình Huế đầu hàng giặc bỏ mặc người dân bơ vơ đau khổ, trong lúc xúc động ông đã sáng tác bản cổ nhạc hy hữu này - một nhạc phẩm tuyệt vời - điệu nhạc khi bổng, khi trầm như oán như than, đã khắc họa được nỗi đoạn trường của người dân mất nước. Lúc đầu, Nhạc Khị đặt tên cho tác phẩm của mình là Ai tử kê nhưng giữa hai từ ai và ái cũng na ná với nhau, nên sau đó người ta thường gọi bản này là Ái tử kê Bạc Liêu.   

Nhạc Khị là người tiên phong xây dựng phong trào ca nhạc tài tử và ca ra bộ ở Bạc Liêu; có công hệ thống hóa và chỉnh tu các loại bài bản nhạc cổ ở Nam Bộ; sáng tác những nhạc phẩm không những có nhiều ưu điểm về mặt nghệ thuật lại còn có tác dụng cổ vũ tinh thần yêu nước của người miền Nam trong những ngày đầu thế kỷ XX; ông đã đề ra chủ trương sáng tác rất phù hợp với nghĩa nước lòng dân, phù hợp với hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ và những chủ đề sáng tác đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngoài ra, Nhạc Khị còn có công đào tạo một lực lượng lớn ca sĩ, nhạc sĩ, soạn giả cho các tổ chức ca nhạc cổ và sân khấu cải lương trong buổi đầu; hơn thế nữa ông là người đã khởi động được một phong trào sáng tác hùng mạnh, có thể nói vào bậc nhất ở Nam Bộ từ đầu thế kỷ XX đến nay. Trong số người thừa kế sự nghiệp của ông, chỉ riêng bốn người: Cao Văn Lầu, Ba Chột, Trịnh Thiên Tư và Mộng Vân cũng đã có một số lượng tác phẩm đồ sộ - kể cả về phẩm lẫn lượng đều chiếm một khoảng lớn trong kho tàng cổ nhạc Việt Nam.

Để ghi nhận công lao của ông, UBND tỉnh Bạc Liêu đã truy tặng bằng Tuyên dương tại lễ Khánh thành Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu ngày 25 tháng 4 năm 2014, trong thời gian Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất diễn ra tại Bạc Liêu. Hiện nay, cũng đã có một con đường mang tên ông tại phường 5, thành phố Bạc Liêu.

Cũng do những đóng góp có nhiều điểm ưu việt như thế, nên không riêng gì giới nghệ sĩ Bạc Liêu mà cả một số lớn ca nhạc sĩ ở các nơi khác đều gọi Nhạc Khị là Hậu Tổ và đều thành tâm chiêm bái, tưởng niệm ông vào ngày giỗ Tổ cổ nhạc 12 tháng 8 âm lịch hằng năm. Nhạc Khị quả là một con người tàn nhưng không phế - một con người tưởng chừng đã bỏ đi, nhưng lại trở thành con người hữu dụng, thật là một tấm gương cần cù lao động tốt cho mọi người; thành quả của ông đã chứng minh được trong mỗi con người chúng ta đều có một năng lực tiềm ẩn vô cùng to lớn, nếu phát huy đúng hướng đúng chỗ sẽ mang lại những lợi ích thật tuyệt vời cho đời sống con người và xã hội.

Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận

 

 

      Tài liệu tham khảo

(1) - Trong những thập niên trước, người Bạc Liêu ít khi gọi những thầy đàn cổ nhạc là nhạc sư hay nhạc sĩ, mà chỉ gọi vắn tắt là "nhạc" cộng thêm cái tên của người đó. Từ "nhạc" vừa để chỉ nghề nghiệp vừa để chỉ tính chất chuyên nghiệp, lâu dần trở thành một thành tố của tên người.

(2) - Vương Hồng Sển, Hồi ký 50 năm mê hát, trang 37-38, Nxb Phạm Quang Khai, Sài Gòn - 1966.

(3) - Huỳnh Minh, Bạc Liêu xưa và nay - 1966, trang 191.

(4) - Thật ra Nhạc Khị chỉ bị thông manh, hai mắt ông tuy không trông thấy nhưng người ngoài nhìn vào vẫn tưởng như người mắt sáng.

     (5) - Hai mươi bản Tổ này đã được Nhạc Khị hiệu đính và áp dụng giảng dạy; sau đó đã được các đệ tử của ông là Cao Văn Lầu, Lê Văn Chột, Trịnh Thiên Tư, Trần Tấn Hưng, Lý Khi ghi chép và truyền bá ở Nam Bộ.

Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh
 
CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Ban Biên tập cổng thông tin điện tử Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu
Địa chỉ: Đường 30/4, Phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913. 824570. Fax: 02913.824569