Liên kết web
Công báo Bạc Liêu
Người dân hỏi CQ Chức năng trả lời
Hướng dẫn thủ tục hành chính
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Nghệ sĩ múa Thạch Siphonl!

Tác giả - Tác phẩm
Thứ sáu, 22/05/2020, 08:11
Màu chữ Cỡ chữ
Nghệ sĩ múa Thạch Siphonl!

Nghệ sĩ múa Thạch Siphonl sinh năm 1951 ở Trà Vinh, nhưng từ lâu đã xem Bạc Liêu là quê hương của mình. Bởi con đường nghệ thuật của anh đã gắn chặt với Bạc Liêu. Trước khi nghỉ hưu, anh là Trưởng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Bạc Liêu.

Thật ra ngay khi vào đời, anh không bước ngay vào lĩnh vực nghệ thuật. Anh nghỉ học phổ thông (mới xong lớp 11) để học nghề... điện tử! Rồi anh đến gần hơn với nghệ thuật bằng cách đi học điều khiển ánh sáng sân khấu. Phải chăng do có vốn hiểu biết về ánh sáng sân khấu như thế nên khi anh làm Trưởng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh, anh đã xin tỉnh đầu tư cho đoàn một bộ âm thanh, ánh sáng đắt tiền, có thể nói là “xịn” nhất tỉnh. Anh nói trong một buổi biểu diễn văn nghệ, ai cũng muốn coi diễn viên đẹp hát múa hay thế nào, mà ít để ý âm thanh, ánh sáng. Chỉ khi âm thanh, ánh sáng trong buổi biểu diễn ấy có vấn đề thì mới chợt nhớ đến người phụ trách khâu đó. Trong thực tế, phần âm thanh, ánh sáng là không thể thiếu đối với những buổi biểu diễn văn nghệ cho dù được biểu diễn ở nông thôn. Ngày nay, nhiều đoàn văn nghệ sắm trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, có người phụ trách âm thanh riêng, người phụ trách ánh sáng riêng. Riêng trong điện ảnh càng thấy rõ điều đó. Vừa qua, một số sở, ngành, địa phương muốn buổi tổ chức văn nghệ tốt thường hỏi anh cho “mượn” bộ âm thanh, ánh sáng của đoàn. Anh rất sẵn lòng, thậm chí trực tiếp chỉ đạo phần âm thanh, ánh sáng nếu như hôm ấy không trùng với lịch diễn của đoàn.

Là người dân tộc Khmer, “dòng máu” hay hát hay múa đã lưu thông ngay trong huyết quản anh từ thuở nhỏ cho nên khi “chuyển hướng” nghề nghiệp, anh rất thuận lợi. Tuy vậy, anh cũng phải “tầm sư học đạo” chớ không phải chỉ trông vào năng khiếu. Vừa học múa, còn phải học văn hóa để đủ điều kiện học đại học (Đại học Văn hóa Hà Nội), rồi lại học lớp quản lý chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn... Có nghĩa là anh vừa là diễn viên (múa) vừa là đạo diễn, dàn dựng chương trình.

Nhưng không chỉ có thế (biểu diễn, dàn dựng...), anh còn bước sang lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu, càng về sau này, anh càng đi sâu hơn. Với vốn liếng âm nhạc, nghệ thuật múa dân tộc truyền thống (dân tộc Khmer), anh đã phục dựng, sáng tác nhiều tiết mục múa cổ điển. Một số tác phẩm từng đoạt giải khu vực và toàn quốc như: “Riêm Ma Lắc - Chum Ma Lắc” như: “Ngày hội đua ghe”, “Lễ hội dâng y”... Những vở diễn Dù kê Ba Sắc Sáp Pa Sách, Tiếp Son Qua, Ngưu vương xuất thế... đậm chất nghệ thuật truyền thống Khmer, được đông đảo bà con người dân tộc yêu thích. Đặc biệt, anh đã có công lớn trong việc làm “sống lại” nghệ thuật Dù kê Ba Sắc trên đất Bạc Liêu.

Đa số người Khmer ở ĐBSCL đều biết hát, biết múa những bài bản dân ca, dân vũ  quen thuộc, dễ nhớ, như các điệu múa Lâm-thôn, Sa-ri-ka-keo, Sa-ra-van, Lâm-lêu... Đặc biệt, họ rất thích Dù kê! Dù kê là một loại hình sân khấu tổng hợp: ca, múa, âm nhạc, vũ thuật, phục trang, hóa trang, hội họa và ẩm thực... có nét riêng của văn hóa nghệ thuật Khmer. Hiện còn có ý kiến khác nhau về nguồn gốc ra đời của sân khấu Dù kê, nhưng nhiều người cho rằng nơi khai sinh ra sân khấu Dù kê là vùng đất Ba Sắc (Sóc Trăng). Do đó, Dù kê, nhất là Dù kê ở ĐBSCL còn được gọi là Dù kê Ba Sắc.

Nghệ sĩ múa Thạch Siphonl có điểm mạnh khi sáng tác những vở diễn Dù kê vì múa trong biểu diễn Dù kê là một thể thức cần phải có. Trong vở diễn Dù kê có nhiều điệu múa như múa hầu rượu, múa chúc mừng, múa được mùa, múa luyện quân, múa chằn... Chằn trên sân khấu Dù kê là một nhân vật sinh động, kết hợp giữa động tác sinh hoạt, múa và võ thuật có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người xem. Nghệ thuật sân khấu Dù kê đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

Với tính chất tổng hợp như thế, nên soạn giả sáng tác Dù kê (vở diễn) nhất thiết phải am hiểu về nhiều lĩnh vực nêu trên. Thạch Siphonl thường khiêm tốn nói rằng anh phải học hỏi, nghiên cứu rất nhiều mới viết và dựng được những vở Dù kê như thế. Nhưng rõ ràng anh là một nghệ sĩ đa năng, không chỉ chuyên về múa mà còn biết những lĩnh vực khác trong nghệ thuật dân tộc Khmer.

Trong nhiều năm gần đây, anh Thạch Siphonl được nhiều người, nhất là thế hệ trẻ 20 - 30 tuổi, gọi bằng thầy. Đó là do anh đã dạy múa cho nhiều diễn viên trẻ. Ban đầu là đối với những diễn viên trẻ trong đoàn mà anh vừa tuyển được. So với nhiều đoàn văn nghệ Khmer ở các địa phương khác, đoàn văn nghệ Khmer tỉnh Bạc Liêu đã thu hút và đào tạo được nhiều diễn viên trẻ nhất. Đặc thù nghệ thuật Khmer là múa luôn đi liền với hát, thậm chí múa được xem là cơ bản. Diễn viên chuyên múa không hát cũng được nhưng là diễn viên hát thì phải ít nhiều biết múa. Qua những lớp truyền nghề như thế, uy tín “thầy” Siphonl ngày càng vang xa. Một số đội, đoàn văn nghệ tỉnh bạn cũng mời anh tập cho các cháu múa!

Từng làm Chi hội trưởng Chi hội Múa (thuộc Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu), nghệ sĩ Thạch Siphonl đã có công phát triển hội viên, bồi dưỡng và tổ chức những hoạt động cho hội viên. Anh đã phối hợp chặt chẽ với Chi hội VHNT các Dân tộc tổ chức những lớp bồi dưỡng, trại sáng tác cho hội viên. Hầu như năm nào cũng có chuyến về nguồn ở cơ sở và ở đâu cũng nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sư sãi các chùa. Do đặc điểm của loại hình nghệ thuật múa, hội viên, diễn viên đều trẻ, rất trẻ. Đó chính là điều kiện thuận lợi để học tập, phát huy tài năng múa. Tuy nhiên, đây cũng là một bất lợi vì tuổi nghề múa rất ngắn, nhiều lắm cũng mươi - mười lăm năm. Diễn viên múa mà trên 30 tuổi đã bị coi là già! Cho nên tuy làm công tác quản lý, thường xuyên đưa đoàn đi lưu diễn ở cơ sở nhưng anh vẫn phải tranh thủ thời gian đi nhiều nơi để phát hiện tài năng trẻ rồi sau đó xin phép gia đình các em cho các em theo nghề.

Một kinh nghiệm trong công tác tổ chức hội là lãnh đạo hội, chi hội chuyên ngành nên là cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn có liên quan đến chuyên ngành. Có như vậy, hoạt động của hội, chi hội chuyên ngành sẽ được sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan, đơn vị chuyên môn. Nghệ sĩ múa Thạch Siphonl là Trưởng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer và cũng là Chi hội trưởng Chi hội Múa nhiệm kỳ 2010 - 2015 (sang nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chi hội trưởng Chi hội Múa là nghệ sĩ múa Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh).

Sau khi nghỉ hưu, Thạch Siphonl vẫn không được rảnh rỗi, anh hay đi tỉnh này tỉnh nọ, nhất là các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng... để dạy múa (và cả dàn dựng chương trình văn nghệ). Khi Trung ương (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam) tổ chức trại sáng tác hay những lớp tập huấn, hội thảo về nghệ thuật múa dân tộc, hầu như đều có anh tham dự và dĩ nhiên anh đều có những sáng tác, bài viết về nghệ thuật múa dân tộc Khmer.

Nghệ sĩ múa Thạch Siphonl (người thứ tư từ phải sang) nhận giải thưởng VHNT Cao Văn Lầu, năm 2011.                                                                              Ảnh: Mẫn Nghi

Nghệ sĩ múa Thạch Siphonl vinh dự được UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu vào năm 2011. Còn huy chương các loại từ các tiết mục biểu diễn cấp tỉnh, khu vực, Trung ương thì... hàng mấy chục, anh không thể nhớ hết. Anh nói đó là do đặc thù của một loại hình nghệ thuật hay tổ chức liên hoan, thi thố từ địa phương đến Trung ương, năm nào cũng có và có nhiều lần. Điều quan trọng là sau những tấm huy chương đó, còn đọng lại những gì.

Nhệ sĩ múa Thạch Siphonl là một nghệ sĩ đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc Khmer không phải chỉ riêng ở Bạc Liêu mà chí ít còn mang tầm vóc khu vực ĐBSCL.

Trần Chí Thành

Số lượt xem: 322

Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh
 
CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Ban Biên tập cổng thông tin điện tử Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu
Địa chỉ: Đường 30/4, Phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913. 824570. Fax: 02913.824569